BÀI TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1+2
Chủ đề: "Mừng Đảng- Mừng xuân"
Thư viện hoạt động giới thiệu sách
Giới thiệu cuốn sách: "Hải Dương hành trình hội nhập và phát triển"
STKC
00817
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Nhiều năm nay văn hóa đọc đã được mọi người coi trọng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của mỗi chúng ta. Tôi đã biết đến một câu nói: “Sách là con đường ngắn nhất dẫn đến tri thức” và “ Trò chuyện với sách là trò truyện với người thông minh”. Chính vì vậy nên chúng ta hãy chăm đọc sách và nếu có thể hãy đọc sách mỗi ngày. Vì “ Sách” mang lại nhiều điều bổ ích cho cuộc sống của mỗi chúng ta như giúp chúng ta có thêm tri thức, giúp cho chúng ta hiểu biết nhiều hơn về thế giới ngoài kia có biết bao điều tốt đẹp. Để chào mừng Đảng ta thêm một tuổi mới, đất nước ta, nhân dân ta chuẩn bị đón thêm một mùa xuân mới trần đầy năng lượng của sự tươi mới và nhiệt huyết cũng là lúc Thầy và trò nhà trường bước sang một học kì mới đầy hứa hẹn. Một học kì với những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt các nội dung dạy và học, các chương trình giáo dục địa phương. Chương trình này được thực hiện trong các tiết dạy tích hợp, lồng ghép ở tất cả các môn học với mục đích giáo dục tình yêu quê hương đất nước. Thư viện nhà trường muốn gửi tới các thấy cô giáo và các em học sinh cuốn sách “Hải Dương hành trình hội nhập và phát triển ”
Cuốn sách dày 310 trang.
Khæ 21x29 cm.
Bìa cuốn sách được nhóm tác giả thiết kế chủ đạo là màu xanh tươi với hình ảnh khu di tích lịch sử Văn Miếu Mao Điền và hình ảnh thu nhỏ của Thành phố Hải Dương được mệnh danh là vùng Đất địa linh nhân kiệt, giàu tài năng với nhiều di tích lịch sử và một miền quê cách mạng, hình ảnh đường cao tốc 5A và những khu công nghiệp hiện đại . Nổi bật ở chính giữa là tiêu đề cuốn sách “ Hải Dương hành trình hội nhập và phát triển’’ được in màu đỏ đậm.
Nội dung cuốn sách bao gồm 4 phần:
Phần 1: Hải Dương vùng đất, con người và truyền thống văn hóa.
Phần 2: Hải Dương truyền thống yêu nước và cách mạng.
Phần 3: Hải Dương trên con đường hội nhập.
Phần 4: Hải Dương thế mạnh của từng địa phương.
Đan xen với 4 nội dung chính trên là những vần thơ và ca khúc nổi tiếng của các tác giả ca ngợi Đất và Người Hải Dương anh hùng. Trên bản đồ hành chính Tỉnh Hải Dương- vùng đất địa linh nhân kiệt là một trong những cái nôi của nền văn hóa lâu đời, là miền đất sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới có tên tuổi. Lịch sử ngàn năm đã bồi đắp và hội tụ để lại cho vùng đất này những giá trị văn hóa vô cùng quí giá. Hai tiếng Hải Dương dễ nhớ và thân thương đã bao giờ bạn tự hỏi nó có ý nghĩa như thế nào chưa ? Có thể nói ngay từ dòng đầu của “ theo dòng lịch sử” tác giả đã giới thiệu tới chúng ta nhiều thông tin rất thú vị. Theo sử sách xưa lưu truyền lại thì: Hải Dương có nghĩa là ánh sáng từ miền duyên hải chiều về và cái tên Hải Dương được chính xác đặt tên từ năm 1469. Sau những trang đánh giá khái quát về tiềm năng và nguồn lực của Hải Dương, các tác giả của cuốn sách đã tập trung giới thiệu những tên Đất, tên Người- niềm tự hào của xứ Đông mà mỗi khi nhắc tới ta lại thấy bâng khuâng như nghe tiếng vọng của hồn thiêng sông núi.
Đến Côn Sơn- Kiếp Bạc để “ Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua- tiếng thơ kêu xé lòng”hay
đến với Miếu Trấn Hải Dương- niềm tự hào của Đất và Người xứ Đông, đến với núi Phượng Hoàng để thăm mộ Bà Chúa Sao Sa- Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ và đến với xã thúc kháng huyện Bình Giang để thăm quê hương của tác giả bài thơ Ông đồ - Vũ Đình Liên để ngâm nga câu hỏi lớn “ Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ”...Và còn rất nhiều, rất nhiều những tên Đất, tên Người được nhắc nhở với những câu chuyện, những giai thoại đã đi vào lịch sử của tỉnh như những huyền thoại. Cũng trong cuốn sách này bạn đọc sẽ được đến với Hải Dương, đến với những đặc sản đi nhớ về thương, những đặc sản gắn với từng tên Phố, tên Làng. Đó là Báng đa Kẻ Sặt, vải Thanh Hà, rươi Tứ kỳ, Bánh Gai Ninh Giang và Bánh Đậu xanh Hải Dương...những món quà quê quí dân dã bình dị do bàn tay khéo léo của những người con đất Hải Dương làm nên đã được nhiều thế hệ lưu truyền và phát huy tạo nên nét văn hóa đặc sắc rất riêng mang đậm nét văn hóa của một vùng quê Việt Nam. Ngoài những sản vật mang đậm nét văn hóa của một vùng quê Việt Nam thì chúng ta còn biết đến Hải Dương với những Lễ hội hội truyền thống như Đền côn sơn Kiếp Bạc, Đền tranh, Đền sượt và những làng nghề nổi tiếng như: Gốm Chu Đậu- nơi hội tụ tinh hoa nghề Gồm hay Đan Giáp- nơi những bàn tay thổi hồn vào mây, tre, hay làng nghề sản xuất rượu Phú Lộc tinh khiết, cay nồng đã làm mềm môi bao thực khách.
Từ trang 112- 146 các tác giả một lần nữa tái hiện hình ảnh Hải Dương trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và Đảng Bộ Hải Dương qua các thời kì đại hội. Với truyền thống yêu nước quân và dân Hải Dương đã làm nên nhiều chiến công oanh liệt, những tên Đất, tên Người đã đi vào lịch sử như “Tiếng sấm đường 5” Cô Du kích Lai Vu Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù...và các tác giả đã dành 5 trang để giới thiệu tình cảm của Bác Hồ với Đảng Bộ và nhân dân Hải Dương với những bức ảnh tư liệu rất có giá trị. Ngắm nhìn những hình ảnh này chúng ta thấy được Bác thật gần gũi và ấm áp biết bao nhiêu.
Từ trang 147 các tác giả đã dành những trang viết đánh giá rất khái quát và cụ thể tình hình của Hải Dương trên con đường hội nhập và phát triển với những điểm nhấn trong phát triển Kinh tế - xã hội. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp với những định hướng phát triển theo vùng, lãnh thổ và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp và hướng tới một nền nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững. Nâng cấp các khu di tích để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...Trong những trang cuối, phần cuối các tác giả cũng dành một phần qua trọng để đánh giá về sự nghiệp trồng người trên mảnh đất xứ Đông- những miền quê giàu đẹp và có truyền thống hiếu học của Hải Dương.
Có thể nói mỗi trang sách, mỗi dòng chữ trong cuốn sách đều chứa đựng những tâm huyết của các tác giả muốn cô đọng gửi gắm những tình yêu, niềm tự hào đối với Đất và Người Hải Dương.
Cuốn sách hiện đang có tại thư viện nhà trường. Kính mời các đồng chí giáo viên và các em học sinh đến tại thư viện nhà trường mượn đọc và cùng cảm nhận để hiểu hơn về mảnh đất Hải Dương yêu quí, để thấy rằng tình yêu nước của những người con Hải Dương được bắt đầu từ những điều bình thường nhất: Yêu những nhành cây trồng trước hiên nhà, những làn khói bếp bình dị tỏa lên mỗi khi chiều về và những con Phố nhỏ đổ ra bờ sông... Bài giới sách của tôi xin được kết thúc tại đây, hẹn gặp lại các thầy cô và các em trong buổi giới thiệu lần sau.
Cuối cùng xin kính chúc các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh chuẩn bị đón một năm mới, một mùa xuân mới với thật nhiều niềm vui- hạnh phúc và sự thành đạt.
Cộng Hòa, ngày 19 tháng 01năm 2024
HIỆU TRƯỞNG Người viết
Nguyễn Thu Hà Lương Thanh Nga